Thời gian qua, BVĐK Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận nhiều người đến cấp cứu vì viêm túi mật cấp tính do sỏi và được phẫu thuật cắt túi mật kịp thời, giúp giảm tai biến, biến chứng và tiết kiệm chi phí điều trị.
3 giờ sáng, anh N.H.C. (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bỗng ớn lạnh, buồn nôn, đau lưng, đau bụng. Nghĩ nhiều đến ngộ độc thức ăn nên anh cố chịu đựng chờ trời sáng để đi khám bệnh. Tuy nhiên, cơn đau càng lúc càng dồn dập, 7h sáng cùng ngày anh được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng đau bụng dữ dội, không thể tự di chuyển.
Đang trực ở phòng khám sàng lọc khoa Cấp cứu; thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân nhanh chóng tiếp nhận ca bệnh. Qua thăm khám, khai thác bệnh sử biết anh C. từng có sỏi túi mật nên bác sĩ Nhân nghi ngờ người bệnh bị viêm túi mật cấp tính. Ngay lập tức, khoa Cấp cứu đã mời BS.CKII Nguyễn Quốc Thái – Trưởng khoa Ngoại tiêu hoá, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hoá BVĐK Tâm Anh TP.HCM phối hợp kiểm tra cho người bệnh. Dựa trên việc khám lâm sàng và kết quả siêu âm đã thể hiện rõ túi mật có nhiều sỏi, dãn căng vì viêm. Lúc này, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái xác định người bệnh bị viêm túi mật cấp tính do sỏi túi mật và chỉ định phẫu thuật ngay.
Bác sĩ Thái trực tiếp phẫu thuật cắt túi mật cho anh C. cho biết: “Khi phẫu thuật, toàn bộ túi mật của người bệnh bị lấp đầy sỏi, với đủ kích thước từ 1-1.5cm, túi mật viêm căng. Nhờ đưa đến khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM sớm và chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật ngay nên sau mổ, anh C. khỏe mạnh, không có di chứng và được xuất viện sau 2 ngày”.
Theo bác sĩ Thái, nếu nhập viện trễ túi mật có thể hoại tử, chảy mật vào ổ bụng hoặc cơ thể người bệnh xuất hiện phản ứng cố gắng khu trú vùng bị viêm. Cụ thể, ruột già, tá tràng, có xu hướng đắp kín lên túi mật. Cơ chế này khiến ca mổ khó khăn hơn do các cơ quan kết dính với nhau, có nguy cơ tổn thương ruột khi mổ, và thậm chí trường hợp khó khăn không thể mổ nội soi, phải chuyển mổ hở, bệnh nhân chịu đường mổ dài, phục hồi chậm hơn.
Anh N.H.C. kể lại trong sự tiếc nuối: “Cách đây 4 năm, tôi phát hiện mình bị sỏi túi mật khi đi khám sức khỏe tổng quát nhưng lúc đó kích thước sỏi quá nhỏ nên các bác sĩ thông báo chưa cần can thiệp điều trị. 2 năm trở lại đây do dịch Covid-19 nên tôi cũng chủ quan không đi khám sức khỏe định kỳ, không ngờ túi mật đã bị sỏi lớn lấp đầy. Tôi thấy may mắn khi được bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh khám, phẫu thuật cắt túi mật ngay trong ngày, được về nhà sớm”.
Xem thêm: UNG THƯ TIÊU HÓA TĂNG Ở NGƯỜI KHÔNG CÓ YẾU TỐ NGUY CƠ CAO
Trước anh C., khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều người bệnh bị viêm túi mật cấp tính do sỏi. Nhiều người bệnh nhập viện sớm, cũng có trường hợp đến trễ vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trường hợp điển hình là ông N.H.K. (50 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đi Lâm Đồng công tác và bị kẹt lại do dịch Covid-19. Tại Lâm Đồng, người bệnh bỗng lên cơn sốt, đau bụng, buồn nôn. Lúc này, bệnh viện địa phương chẩn đoán viêm túi mật cấp phải điều trị với phác đồ dùng kháng sinh và được khuyến nghị chuyển về bệnh viện lớn tại TP.HCM phẫu thuật để đảm bảo an toàn vì người bệnh có tiền sử nhịp tim chậm, phải khảo sát tim mạch, đo Holter điện tim, đạt độ an toàn mới có thể mổ.
Bác sĩ Thái nhận định, bệnh nhân N.H.K. đã khởi phát viêm túi mật 1 tuần mới đến khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM nên đã bỏ lỡ thời gian tối ưu để điều trị. Đối với trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi nên phẫu thuật cắt túi mật trong vòng 3 ngày kể từ lúc có triệu chứng khởi phát. Bệnh nhân K. đến nhập viện khi đã bệnh 7 ngày nên việc phẫu thuật khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chuyên khoa Cấp cứu, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, người bệnh đã được phẫu thuật cắt túi mật thành công và an toàn.
Theo bác sĩ Thái, cắt túi mật không ảnh hưởng chức năng tiêu hóa, tuổi thọ hay chức năng khác trong cơ thể vì túi mật không phải cơ quan tiết ra mật. Gan là nơi tiết ra mật, lưu trữ trong túi mật. Khi không còn túi mật cơ thể sẽ có cơ chế thích nghi. Tuy nhiên, ở một ít người bệnh sau khi mổ sẽ xuất hiện triệu chứng đầy bụng khó tiêu. Triệu chứng này sẽ hết sau 1 tháng.
Xem thêm: CÁC YẾU TỐ LÀM TĂNG NGUY CƠ MẮC UNG THƯ ĐƯỜNG TIÊU HÓA
Sỏi túi mật hình thành thường do rối loạn quá trình chuyển hóa. Trong túi mật đựng dịch mật có 3 thành phần chính: sắc tố mật, cholesterol, muối mật. Khi có sự mất cân bằng 3 yếu tố này thì túi mật có nguy cơ hình thành sỏi thể rắn có số lượng từ 1 viên đến cả trăm viên.
Bệnh sỏi túi mật rất phổ biến tại Việt Nam. Hiện nay, phương pháp siêu âm bụng để chẩn đoán sỏi túi mật đã trở nên phổ biến, 58%-71% trường hợp sỏi đường mật nói chung được phát hiện là nhờ phương pháp này. Phần lớn người bệnh phát hiện khi tình cờ khám sức khỏe tổng quát hoặc khi có triệu chứng khởi phát như đau bụng, sốt,.. và đi khám bệnh. Những người có nguy cơ sỏi túi mật cao gồm: người thừa cân, phụ nữ từng sinh nhiều con, những người sụt cân nhanh, ăn nhiều chất béo, thức ăn nhiều cholesterol, tiểu đường… Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra ở những bệnh nhân tiểu đường, nhóm đối tượng này có nguy cơ thủng túi mật nhiều hơn. Ngoài ra, những người có sỏi túi mật nếu có bệnh tim mạch đang sử dụng thuốc kháng đông cũng rất nguy hiểm. Nguyên nhân là sỏi túi mật có thể gây biến chứng viêm cấp và cần phẫu thuật sớm, nhưng đối với người bệnh sử dụng thuốc kháng đông thì không thể phẫu thuật ngay, từ đó mất đi cơ hội điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng, việc điều trị lúc này cũng trở nên kém hiệu quả và tốn kém nhiều chi phí cho người bệnh. Đôi lúc trong quá trình ngưng kháng đông chờ mổ, bệnh nhân có biến chứng viêm phúc mạc mật do thủng túi mật, và phải mổ cấp cứu, lúc này bệnh nhân có nguy cơ biến chứng chảy máu cao.
Thông thường, khi đi kiểm tra sức khỏe, nếu phát hiện sỏi túi mật với kích thước nhỏ dưới 1cm người bệnh không có triệu chứng thì bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc điều trị cho tan sỏi. Tuy nhiên, do cấu tạo của ống túi mật rất nhỏ, chỉ 1 viên sỏi rớt vào ống túi mật đã bít đường ống dẫn mật gây viêm. Do đó nếu người bệnh có biểu hiện đau sẽ được chỉ định phẫu thuật vì 70% người bệnh trì hoãn cuộc mổ sẽ tái phát đau và đi kèm biến chứng viêm túi mật, nhiễm trùng đường mật chính, hoặc viêm tụy cấp. Lúc này người bệnh sẽ đối diện với những nguy hiểm khác nặng nề hơn.
Bệnh sỏi túi mật tăng dần theo độ tuổi, những người ở tuổi trung niên từ 40 tuổi sẽ có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn. Người bệnh thường có dấu hiệu: đau bụng, sốt vã mồ hôi, ớn lạnh do nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật, vàng da vàng mắt, rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn, sợ ăn mỡ… dễ nhầm với bệnh dạ dày – tá tràng hay bệnh đường tiêu hóa. Chính vì vậy, những người bước vào độ tuổi trung niên nên chủ động phòng ngừa và tầm soát sỏi mật sớm để theo dõi và can thiệp điều trị. Khách hàng có thể sàng lọc bệnh sỏi mật bằng cách đăng ký khám tầm soát gan mật hoặc khám sức khỏe tổng quát tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giỏi đầu ngành, cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại giúp khách hàng tầm soát, phát hiện sớm các nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa, xương khớp, tim mạch, đột quỵ, ung thư,…
Đón đọc thêm nhiều hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại chuyên mục Tin tức hoạt động của Bệnh viện Tâm Anh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH