Món quà ý nghĩa nhất đối với đội ngũ y bác sĩ chính là nhìn thấy nụ cười trở lại trên môi người bệnh sau khi được chữa trị khỏi. Thời khắc năm 2021 sắp đi qua cũng là lúc chúng ta cùng nhìn lại và tri ân đội ngũ y bác sĩ ở khoa Khám bệnh – Cấp cứu – Hồi sức tích cực (ICU) & Xét nghiệm BVĐK Tâm Anh… đã nỗ lực cứu người, với mong muốn mang lại niềm vui cho người bệnh và thân nhân của họ.
Bệnh nhân lớn tuổi mắc các bệnh nội khoa nguy hiểm không may gặp phải chấn thương do té ngã. Dù đã được phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít nhưng bị gãy nẹp cần phẫu thuật lại. Thế nhưng, nhiều cơ sở y tế không dám mổ vì người bệnh không đáp ứng điều kiện sức khỏe. Bệnh nhân được người nhà đưa đến BVĐK Tâm Anh với hy vọng có thể hồi phục khả năng đi lại.
Các bác sĩ nhận định, đây là ca bệnh khó vì bệnh nhân lớn tuổi, mắc cùng lúc nhiều bệnh gồm: tiểu đường, huyết áp cao, suy đa tạng (suy tim, suy thận nặng), có thể gặp biến chứng khó lường trong lúc mổ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều cơ sở y tế “e dè” không phẫu thuật do lo sợ người bệnh tử vong trên bàn mổ.
BS CKII Lưu Kính Khương – Trưởng khoa Gây mê hồi sức nhận định: với trường hợp này, việc gây tê lẫn gây mê đều khó khăn. Nếu gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng; người bệnh đối diện nguy cơ tụt huyết áp và tử vong trên bàn mổ. Nếu gây mê cũng nhiều nguy cơ. Người bệnh còn bị suy thận, thận không thể đào thải nước do độ lọc cầu thận chỉ còn 6,27mL/min/1,73m2 dẫn đến nguy cơ phù phổi cấp. Người bệnh không thể đào thải kali, cũng có thể gây tử vong bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, người bệnh có thể nhiễm độc axit do thận suy”.
Sau nhiều cuộc hội chẩn liên khoa, các bác sĩ quyết định dùng phương pháp gây tê thần kinh đùi cộng với thần kinh bì đùi ngoài để tiến hành phẫu thuật thay nẹp xương đùi. Ca phẫu thuật được triển khai thành công, đem đến niềm vui khôn xiết cho người bệnh và người thân.
Khoa Cấp cứu và ICU của BVĐK Tâm Anh đã tiếp nhận ca bệnh là bà N.T.H. (71 tuổi, nhà ở Q.12) trong trạng thái mệt lả, tay chân run rẩy, bỏ ăn. Gần đây, bà H. thường có dấu hiệu lừ đừ, chán ăn mọi thứ. Bà N.T.H. vốn có tiền sử tăng huyết áp và suy thận mạn tính. Để duy trì chức năng thận, 10 năm nay, bà dùng thuốc điều trị bệnh. Dịch COVID-19 kéo dài khiến bà khó khăn khi đến các cơ sở y tế gần nhà để theo dõi. Nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, gia đình mới đưa bà đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM thăm khám thì phát hiện tình trạng suy thận đã diễn tiến nặng hơn. Các chất thải lẽ ra do thận bài tiết thì nay ứ đọng trong máu với nồng độ rất cao, có tình trạng toan hóa máu, tăng kali máu nặng, nguy cơ cao gây rối loạn nhịp tim.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm máu cần thiết. Sau khi có kết quả, kết hợp tình trạng bệnh lý của người bệnh, các bác sĩ chẩn đoán bà H. bị tăng kali máu, toan hóa máu, hội chứng ure huyết cao trên bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Không giây chút chậm trễ, các bác sĩ thực hiện truyền thuốc bảo vệ cơ tim, khẩn trương phối hợp cùng khoa Hồi sức tích cực & chống độc (ICU) tiến hành lọc máu cho người bệnh.
Lọc máu là kỹ thuật cao, đòi hỏi tay nghề chuyên môn của bác sĩ, kết hợp với thiết bị hiện đại nhằm lấy ra các chất độc ứ đọng trong máu. Giúp người bệnh tiếp tục sống với chức năng thận gần như bằng 0 cho đến lúc người bệnh được ghép thận.
Trường hợp bà H., các bác sĩ đã tiến hành đặt một ống thông vào tĩnh mạch lớn (gọi là tĩnh mạch trung tâm), ống thông được kết nối với máy lọc máu và dẫn máu ra khỏi cơ thể đi qua máy. Máy lọc máu sẽ lọc bỏ các chất thải và nồng độ kali quá cao trong cơ thể nhưng vẫn giữ lại được hầu hết các chất dinh dưỡng có lợi và hồng huyết cầu. Máu sau khi lọc sẽ được truyền trở về người bệnh ngay tức thì. Thời gian lọc máu đối với tình trạng của bà H. là từ 2-4 giờ/1 lần lọc máu. Vui mừng thay, sau 2 lần lọc máu bệnh nhân đã qua khỏi nguy hiểm, dần trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường.
Sau lần va chạm với xe ô tô, ông L.N.M. (66 tuổi, nhà ở Thủ Đức, TP.HCM) chỉ bị trầy xước tay chân nhẹ, hơi đau ngực nhưng có thể tự chạy xe máy về nhà. Sau một đêm, cơn đau nhói ngực mỗi lúc tăng dần, thôi thúc ông đến một phòng khám gần nhà kiểm tra. Qua thăm khám, bác sĩ khuyên ông nên đến ngay bệnh viện. Chưa kịp rời phòng khám, ông M. bắt đầu khó thở và được đưa vào khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Ông M. nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng đau ngực, khó thở gấp sau tai nạn giao thông vào ngày thứ 2. Qua khám lâm sàng, bác sĩ ghi nhận tay chân của người bệnh trầy xước nhẹ, phần đầu và bụng không chấn thương. Người bệnh được chỉ định chụp X-quang thì phát hiện gãy 5 xương sườn vị trí số 3, 4 ,5, 6, 7; riêng phổi bị xẹp và tràn khí màng phổi.
Ca mổ đối diện với khó khăn khi người bệnh gặp đa chấn thương ngực kín đã lớn tuổi, từng mắc lao phổi, có xơ phổi trái dễ suy hô hấp; đồng thời có bệnh nền huyết áp cao không điều trị liên tục. Ngay lập tức, một cuộc hội chẩn liên khoa đã diễn ra giữa khoa Cấp cứu và khoa Phẫu thuật – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh.
Các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật cứu người ngay tại khoa Cấp cứu để dẫn lưu khí màng phổi phải cho bệnh nhân, giải phóng khẩn cấp phổi của bệnh nhân khỏi áp lực rất lớn của không khí, giúp lá phổi có thể hoạt động bình thường trở lại.
Sau một ngày đặt dẫn lưu khí màng phổi, ông M. đã hết khó thở, phổi nghe rõ.
May mắn cho ông M., dù cùng lúc gãy 5 xương sườn nhưng chỉ gãy 1 điểm trên mỗi cung xương nên xương không bị di lệch, biến dạng nên không phải phẫu thuật mổ bắt vít mà dùng phương pháp điều trị bảo tồn.
Người bệnh được chỉ định dùng thuốc giảm đau, giảm phù nề vết thương, các thuốc hỗ trợ nhanh mau lành gãy xương, tăng cường canxi, vitamin D, tập vật lý trị liệu, hướng dẫn người bệnh tập thở để phổi phục hồi tốt hơn, nhanh hơn. Phương pháp điều trị bảo tồn tốn ít chi phí, nhưng có thể mất từ 3-6 tháng để xương lành hoàn toàn.
Chị T.P.Y. (22 tuổi, nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM) do gặp khó khăn trong thi cử, dịch bệnh Covid-19 kéo làm hạn chế giao tiếp cùng lo lắng sau này không thể nuôi sống bản thân và gia đình nên quyết định tự tử để tìm lối thoát. May mắn thay, người nhà đã phát hiện kịp thời và đưa chị vào Khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh ngay đêm đó.
TTND.TS.BS.CKII Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Cấp cứu, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Y. trong tình trạng mệt mỏi, nôn, tiêu chảy, có dấu hiệu tụt huyết áp do trước khi nhập viện 10 giờ người bệnh tự ý uống 20 viên Losartan, 20 viên Glimepiride, 20 viên Metformin”.
Xác định người bệnh bị ngộ độc thuốc, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu thải độc, truyền dịch, kiểm soát huyết áp và đường huyết. Đồng thời, chỉ định thêm các xét nghiệm ngay tại Khoa Cấp cứu, gồm: chụp X-quang phổi, siêu âm tim, xét nghiệm máu, đo chức năng các cơ quan.
Dù người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng các xét nghiệm cận lâm sàng ghi nhận có tình trạng khí máu toan chuyển hóa nặng, tăng lactate máu, chức năng thận suy giảm. Trước tình trạng nhiễm độc toan máu của người bệnh, các bác sĩ quyết định chuyển chị đến khoa Hồi sức tích cực. Chỉ sau 2 ngày điều trị, theo dõi, tình trạng chị Y. đã dần ổn định, được chuyển đến khoa Nội tổng hợp tiếp tục điều trị.
Nửa đêm, anh N.H.C. (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bỗng nhiên cảm thấy ớn lạnh, buồn nôn kèm triệu chứng đau lưng, đau bụng. Anh nghĩ bản thân bị ngộ độc thức ăn nên anh cố chịu đựng chờ trời sáng đi khám bệnh. Tuy nhiên, cơn đau càng lúc càng dồn dập, dữ dội hơn, không thể tự di chuyển. 7h sáng cùng ngày anh được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Tiếp nhận ca bệnh, qua thăm khám, khai thác bệnh sử anh C. từng có sỏi túi mật nên bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị viêm túi mật cấp tính. Ngay lập tức, liên khoa gồm Khoa Cấp cứu – Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa BVĐK Tâm Anh TP.HCM – cùng phối hợp kiểm tra cho người bệnh. Kết quả khám lâm sàng và siêu âm cho thấy túi mật có nhiều sỏi, dãn căng vì viêm. Các bác sĩ kết luận, người bệnh bị viêm túi mật cấp tính do sỏi túi mật và chỉ định phẫu thuật ngay.
Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cắt túi mật cho anh C. cho biết: “Khi phẫu thuật, toàn bộ túi mật của người bệnh bị lấp đầy sỏi, với đủ kích thước từ 1-1.5cm, túi mật viêm căng. Nhờ đưa đến khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP.HCM sớm và chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật ngay nên sau mổ, anh C. khỏe mạnh, không có di chứng và được xuất viện sau 2 ngày”.
Bà T.T.B.L. thức trọn 3 ngày liền không ngủ, được người nhà đưa vào cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh trong tình trạng vẫn tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng cảm thấy khó thở, người mệt, cảm giác toàn thân không có sức, ngủ kém, chán ăn, tâm lý có phần hoảng hốt, khuôn mặt thể hiện rõ khí sắc âu lo. Những biểu hiện này đã kéo dài 6 tháng qua và ngày càng nặng dần.
Kết quả khám lâm sàng tim và phổi của bà L. không ghi nhận bất thường. Các chỉ định kiểm tra về xét nghiệm máu, thăm dò chức năng, hình ảnh học đều trong giới hạn bình thường. Lúc này, bác sĩ hướng đến căn nguyên bà L. mắc bệnh về tâm lý. Người bệnh cũng đã chia sẻ từ lúc nhận quyết định nghỉ hưu, lại gặp phải dịch bệnh Covid-19 kéo dài, bản thân cảm thấy lo lắng, ăn uống kém, mọi sinh hoạt đảo lộn, gánh nặng tài chính, gia đình lại có người mắc bạo bệnh, lại càng khiến bà thêm lo lắng, mất ngủ.
Bác sĩ khuyên bà L. cần thay đổi lối sống, suy nghĩ tích cực, tăng cường tập thể dục, nâng cao tinh thần, đồng thời sử dụng thuốc giảm lo âu. Sau khi điều trị, bà bắt đầu có cảm giác ăn ngon, dễ chợp mắt hơn và được hẹn tái khám sau 2 tuần.
Chị Trương Thị T. (44 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức) đăng ký tiêm vắc xin tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM với danh sách dài những bệnh nền: Tan máu bẩm sinh, bệnh lupus ban đỏ, suy tim, tăng huyết áp động mạch phổi thứ phát, hẹp hở van 2 lá, rối loạn chuyển hóa kali.
Vốn đã mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ khi lên 9 tuổi và vẫn đang điều trị. Mỗi tháng, chị đến bệnh viện để truyền máu 1 lần, nhưng từ tháng 6 – 9/2021, do dịch bệnh phức tạp nên chị gắng gượng ở nhà. Nhận được tin nhắn đi tiêm vắc xin và thông qua khám sàng lọc tại BVĐK Tâm Anh nên chị mới biết tình trạng bệnh của mình trở nặng, cần phải truyền máu gấp. Bác sĩ khuyên chị tiếp tục điều trị bệnh tan máu bẩm sinh cho ổn định. Một tháng sau, chị quay trở lại BVĐK Tâm Anh TP.HCM với nét mặt rạng rỡ niềm vui khi nhận được kết quả xét nghiệm máu và thông tin chị được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Không chỉ bản thân được tiêm vắc xin mà lần lượt từng thành viên trong gia đình chị T. cũng đều đã được tiếp cận vắc xin phòng COVID-19.
Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, bên cạnh đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, những cây đa cây đề của ngành y, giỏi về chuyên môn và giàu y đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong khám, điều trị, giúp bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay trong nước, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và thời gian.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH