Các bệnh về tuyến giáp ảnh hưởng đến khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có bướu giáp nhân (1). Vậy bướu giáp nhân là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh này ra sao?
Bướu giáp nhân là gì?
Bướu giáp nhân (hay còn gọi là nhân tuyến giáp) là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp, từ đó hình thành nên một hoặc nhiều nốt nhân.
Tuyến giáp là một phần của hệ thống nội tiết, có hình dạng giống con bướm nằm ở trước cổ và dưới sụn giáp. Tuyến giáp gồm 2 thùy trái phải liên kết với nhau qua eo giáp và sản xuất hormone. Hormone tuyến giáp sẽ kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể và các chức năng khác như tiêu hóa, tim mạch…
Dịch tễ bướu giáp nhân
Các nhà nghiên cứu dịch tễ ghi nhận số người bị bướu giáp nhân ở nữ thường cao hơn nam, đặc biệt ở những vùng địa phương mà thói quen sinh hoạt với chế độ ăn uống thiếu Iod, càng lớn tuổi càng dễ bị bướu giáp nhân. Tuy nhiên tỷ lệ mắc nhân ác tính phổ biến ở nam hơn nữ.
Những đối tượng dễ mắc bướu giáp nhân bao gồm:
Tỷ lệ khoảng 7% ở nhóm tuổi trưởng thành.
Tỷ lệ phát hiện rơi vào khoảng 5% ở nữ và 1% ở nam.
Triệu chứng mắc bệnh bướu giáp nhân
Hầu hết các trường hợp bướu giáp nhân được phát hiện tình cờ khi siêu âm tuyến giáp, nhất là nhờ khám sức khỏe định kỳ. (2)
Thấy cổ to hoặc cảm giác nuốt vướng hoặc cộm vùng cổ.
Khoảng 4% – 7% dân số bị nhân giáp sờ thấy được nhưng khi siêu âm cho thấy tỷ lệ này tăng lên 19% – 35% dân số.
Những người có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp hoặc những người thiếu hụt iod mà cơ thể cần để tạo ra hormone tuyến giáp sẽ có tỷ lệ mắc bướu giáp nhân cao hơn so với bình thường. Tỷ lệ bệnh nhân bị bướu giáp nhân chuyển sang ung thư có thể tới 5% -15%.
Nhân giáp có thể là 1 nhân hay nhiều nhân, với đa dạng kích thước từ to đến nhỏ, xuất hiện dưới dạng nhân đặc hoặc nhân nang, lành tính hoặc ác tính, có nhân có thể sờ được khi khám lâm sàng, số còn lại chỉ được phát hiện khi đi siêu âm tuyến giáp. Các triệu chứng có thể bao gồm:
Mệt mỏi
Hay đi nặng
Khả năng chịu nhiệt kém
Thèm ăn
Tăng tiết mồ hôi
Kinh nguyệt không đều ở phụ nữ
Chuột rút
Lo lắng
Bồn chồn
Sút cân
Người cao tuổi có thể có các triệu chứng ít cụ thể hơn:
Suy nhược và mệt mỏi.
Tim đập nhanh và đau ngực hoặc cảm giác áp lực.
Thay đổi trí nhớ và tâm trạng.
Bướu nhân giáp ác tính không gây lồi mắt có thể xảy ra với bệnh nhân Graves do rối loạn tự miễn dẫn đến tuyến giáp hoạt động quá mức.
Nguyên nhân hình thành bướu giáp nhân
Sự phát triển quá mức của các tế bào tuyến giáp hình thành nên bướu giáp nhân. Bướu giáp chỉ có một nhân được gọi là bướu giáp đơn nhân, còn có nhiều nhân gọi là bướu giáp đa nhân.
Bướu giáp nhân là sự phát triển quá mức các tế bào tuyến giáp.
Các loại bướu giáp nhân
Dưới đây là các loại bướu giáp nhân phổ biến:
Bướu giáp keo: là sự tăng trưởng bất thường của các mô tuyến giáp, tuy phát triển lớn nhưng không xâm lấn ra ngoài bao tuyến giáp. Các nhân này lành tính (không phải ung thư).
U nang tuyến giáp (follicular adenoma): là các nang có chứa dịch hoặc dịch lẫn tổ chức đặc của tuyến giáp.
Các nốt viêm: do viêm mạn tính lâu dài gây ra, có thể đau hoặc không.
Bướu cổ đa nhân: là khi tuyến giáp phát triển nhiều nốt nhân, phần lớn là các nhân lành tính.
Ung thư tuyến giáp: khoảng 5% người bệnh mắc bướu giáp nhân sẽ bị ung thư tuyến giáp.
Ngoài ra còn có viêm tuyến giáp hashimoto, suy giáp, cường giáp,…
Nữ giới có nguy cơ mắc bướu giáp nhân cao hơn nam giới.
Yếu tố nguy cơ của bướu giáp nhân
Bất kỳ ai cũng có thể bị bướu giáp nhân nhưng một số đối tượng sẽ có nguy cơ cao hơn những người khác, bao gồm:
Tiền sử gia đình: Bệnh nhân có người thân từng bị nhân tuyến giáp hoặc các bệnh ung thư tuyến nội tiết khác sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh.
Giới tính: Nữ giới có khả năng mắc bướu giáp nhân cao hơn nam giới.
Độ tuổi: Nguy cơ mắc bướu giáp nhân tỷ lệ thuận với độ tuổi. Các yếu tố rủi ro bao gồm là nữ và trên 55 tuổi. Bệnh này hiếm gặp ở trẻ em. Hầu hết những người mắc bướu giáp nhân đều có bướu cổ với nốt sần trong nhiều năm. Đôi khi tuyến giáp chỉ phình lên một chút nên chưa thể chẩn đoán bệnh.
Phơi nhiễm phóng xạ: Người bệnh có tiền sử mặc hoặc phơi nhiễm phóng xạ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp nhân, ví dụ như chụp X-quang, CT, phóng xạ…
Yếu tố tăng khả năng ung thư tuyến giáp
Các yếu tố làm tăng khả năng ung thư tuyến giáp bao gồm:
Tiền sử gia đình hoặc bản thân từng bị ung thư tuyến giáp.
Đa polyp tuyến di truyền.
Ung thư tuyến giáp di truyền.
Viêm giáp Hashimoto.
Bướu giáp đơn nhân.
Các nhân tuyến giáp cứng xâm lấn các cấu trúc lân cận.
Tỷ lệ ung thư giáp ở nam cao hơn nữ khi mắc bướu giáp nhân.
Độ tuổi dưới 20 hoặc trên 70.
Từng tiếp xúc với chất phóng xạ.
Cách chẩn đoán bướu giáp nhân
Người bệnh thường phát hiện ra nhân giáp khi tình cờ sờ thấy hoặc khi đi khám bác sĩ. Các bác sĩ thưởng sử dụng các phương pháp sau để chẩn đoán bướu giáp nhân:
1. Siêu âm tuyến giáp
Siêu âm tuyến giáp thường được sử dụng để chẩn đoán bướu giáp nhân vì phương pháp này không chảy máu, không gây khó chịu, dễ thực hiện, phát hiện được cả những nhân nhỏ và đem lại hiệu quả cao với mức chi phí thấp. Việc siêu âm sẽ giúp đánh giá xem nhân này là lành tính hay ác tính, từ đó bác sĩ sẽ định hướng cho biện pháp thăm dò nhân giáp tiếp theo.
Nhân giáp ác tính sẽ có những đặc điểm khi siêu âm như sau:
Xuất hiện hạch bệnh lý.
Bờ không đều, độ phản âm rất kém.
Nhân có chiều cao lớn hơn chiều rộng.
Vi vôi hóa trong nhân.
Bờ hình gai, tăng sinh xâm lấn.
Bướu giáp nhân có nguy cơ trung bình sẽ cho ra những đặc điểm sau:
Tăng sinh mạch máu trong nhân.
Phản âm hơi kém.
Hình oval, có bờ xác định kém.
Vôi hóa viền hoặc vôi hóa to.
Những đặc điểm cho thấy nguy cơ bướu giáp nhân thấp gồm:
Nhân bọt biển.
Nang có dịch chiếm tỷ lệ trên 80%.
Dấu halo rõ.
Tỷ lệ ác tính tùy theo TIRADS (Theo Hiệp hội Tuyến giáp châu Âu 2017):
EU – TIRADS 1: Bình thường, không nguy cơ ác tính.
EU – TIRADS 2: Lành tính, nguy cơ ác tính rất ít, gần bằng 0.
EU – TIRADS 3: Nguy cơ ác tính thấp 2% – 4%.
EU – TIRADS 4: Nguy cơ trung bình 6% – 17%.
EU – TIRADS 5: Nguy cơ cao 26% – 87%.
Siêu âm tuyến giáp là phương pháp phổ biến dùng để chẩn đoán bướu giáp nhân.
2. Sinh thiết nhân giáp bằng kim nhỏ (FNA)
Phương pháp sinh thiết nhân giáp bằng kim nhỏ có vai trò quan trọng và được công nhận sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới. Sử dụng FNA làm giảm trên 50% các ca phẫu thuật và giảm tải đáng kể chi phí điều trị.
Bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết dựa vào:
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
Người bệnh xuất hiện các đặc điểm đáng ngờ khi siêu âm.
Dưới hướng dẫn siêu âm, bác sĩ sẽ lấy kim nhỏ chọc vào tuyến giáp và lấy ra một tổ chức tế bào, sau đó đem đi xét nghiệm chuyên sâu với kính hiển vi. Kết quả của xét nghiệm có thể suy ra bản chất của nhân là lành tính hay ác tính. Một số trường hợp không có kết quả rõ ràng hoặc nghi ngờ sẽ cần phải làm lại sinh thiết lần 2.
3. Xạ hình tuyến giáp
Bác sĩ sẽ cho người bệnh xạ hình tuyến giáp trong những trường hợp sau:
Xác định kích thước tuyến giáp.
Xác định mô giáp lạc chỗ.
Chẩn đoán nhân nóng.
Đánh giá bướu giáp và chức năng bướu giáp đa nhân.
Bệnh nhân sẽ uống một lượng nhỏ iod phóng xạ, sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra xem các mô tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không bằng cách quan sát lượng iod phóng xạ có được hấp thụ vào mô tuyến giáp hay không. Việc chụp CT scan tuyến giáp sẽ cần thiết trong một vài ca bệnh phức tạp.
Điều trị bướu giáp nhân
Tùy theo tính chất nhân giáp mà công cuộc điều trị cũng được thực hiện theo nhiều cách khác nhau:
Tiêm Ethanol (PEI) cho nhân giáp nang và nhân giáp lành tính hỗn hợp có tỷ lệ dịch nhiều. Chống chỉ định với trường hợp nhân có tỷ lệ đặc nhiều, nhân độc và bướu giáp đa nhân độc.
Phẫu thuật bướu giáp nhân là phương thức điều trị cho những nhân ác tính hoặc nghi ngờ ác tính, nhân có triệu chứng chèn ép, nhân lớn trên 4cm.
Điều trị nội khoa với hormone tuyến giáp LT4. Tuy nhiên bệnh có khả năng tái phát sau khi ngưng điều trị và cũng cần lưu ý những tác dụng phụ của thuốc.
Đa số trường hợp chỉ cần theo dõi định kỳ.
Biến chứng bướu giáp nhân
Việc không điều trị kịp thời bướu giáp nhân có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sau:
Biến chứng tim: như suy tim, nhịp tim không đều (rung tâm nhĩ) hoặc nhịp tim nhanh.
Biến chứng khác: giảm mật độ chất khoáng trong xương dẫn đến loãng xương.
Biến chứng hô hấp: như khó thở hoặc khó nuốt (do áp lực đè lên đường dẫn khí quản hoặc thực quản nằm phía sau tuyến giáp).
Bão giáp xảy ra khi các triệu chứng cường giáp đột ngột xấu đi. Bệnh có thể xảy ra cùng lúc với nhiễm trùng hoặc căng thẳng. Bão giáp có thể gây ra các triệu chứng:
Đau bụng.
Giảm sự tỉnh táo tinh thần.
Sốt.
Nếu người bệnh xuất hiện những triệu chứng này cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện và điều trị kịp thời bướu giáp nhân.
Cách phòng bướu giáp nhân
Dưới đây là những cách phòng tránh bướu giáp nhân:
Tự kiểm tra vùng cổ: khám vùng cổ thường xuyên bằng cách đứng trước gương, ngửa đầu ra sau và dùng tay sờ vào cổ xem có điểm gì bất thường không có thể giúp phát hiện những khối u bất thường.
Cảnh giác trước những dấu hiệu bất thường trên cơ thể: Nếu cơ thể đột nhiên có những triệu chứng lạ không rõ nguyên nhân như mệt mỏi, tăng cân đột ngột, cơ thể nhạy cảm hơn, khàn tiếng, khó nuốt… thì có khả năng bạn đã bị rối loạn hormone tuyến giáp.
Hạn chế tiếp xúc với các chất bức xạ, phóng xạ: Tiếp xúc với bức xạ trong môi trường sống và làm việc có thể dẫn đến biến đổi gen và hình thành các tế bào ung thư trong cơ thể là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư tuyến giáp. Đặc biệt, việc tiếp xúc với bức xạ dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp khi còn trẻ. Hạn chế tiếp xúc môi trường có nhiều bức xạ như nhà máy hạt nhân, nơi sản xuất linh kiện điện tử,…Khi làm việc trong môi trường độc hại thì cần tuân thủ nghiêm túc quy trình bảo hộ.
Chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi điều độ: duy trì chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh, ít chất béo, hạn chế đồ ăn nhanh và các thực phẩm chế biến sẵn. Dùng muối i-ốt và bổ sung thực phẩm giàu i-ốt như tảo, rong biển, hải sản. Thực phẩm giàu magie như hạt điều cũng tốt cho tuyến giáp. Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và ngăn ngừa ung thư tuyến giáp.
Khám sức khỏe định kỳ: tầm soát ung thư định kỳ là cách thức hiệu quả để phát hiện ra ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu. Nếu tiền sử gia đình từng mắc bệnh này thì người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ phát hiện bệnh sớm và lên phác đồ điều trị kịp thời.
Tránh xa chất kích thích: sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng.
Chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường BVĐK Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ dễ dàng thăm khám, sàng lọc và kiểm tra các bệnh tuyến giáp một cách hiệu quả với độ chính xác cao: bướu giáp nhân, phình giáp, viêm giáp Hashimoto, nang keo, nang xuất huyết, suy giáp, cường giáp, ung thư tuyến giáp,… để lên phác đồ điều trị thích hợp, giúp người bệnh hoàn toàn yên tâm trong quá trình trị liệu.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Ngay khi nghi ngờ mình mắc bướu giáp nhân, người bệnh cần đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường thăm khám kịp thời và điều trị nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng.