Trong một gia đình nghèo ở Tiền Giang, người cha già mắc bệnh sỏi san hô nặng nhưng vẫn không có cách nào chạy chữa. Hàng ngày 3 đứa con thay nhau đi cắt cây thuốc Nam mà dân gian truyền miệng có thể chữa sỏi thận về sắc cho cha uống… Trong ký ức, vẫn là cậu bé Tuyên, xách túi hái thuốc rong ruổi khắp nơi.
Bác sĩ Nguyễn Lê Tuyên vẫn không thể nào quên được những tháng ngày đầy hoang mang ấy. Mỗi khi thấy cha đau một nhiều hơn, anh ám ảnh bởi nỗi sợ mất cha. Nhưng cuối cùng, những bài thuốc cây cỏ vẫn không cầm cự được lâu. Cha anh phải chuyển viện cấp cứu lên thành phố, vì những cơn đau mỗi lúc một dày và khủng khiếp hơn.
May mắn, cha anh gặp được một trong những bậc thầy của ngành Tiết niệu bấy giờ, Giáo sư Trần Văn Sáng, được chính tay giáo sư trực tiếp phẫu thuật. Ca mổ thành công ngoài mong đợi, cha anh được giải thoát khỏi những cơn đau bệnh tật triền miên. Niềm vui trở lại với các thành viên trong gia đình. Cha của Lê Tuyên coi giáo sư Trần Văn Sáng nói riêng và các bác sĩ nói chung là ân nhân của gia đình, là những người mang đến phép màu tái sinh. Ông luôn tâm niệm, nhất định sẽ vượt đường xa trở lại Sài Gòn gặp giáo sư Sáng để bày tỏ lòng biết ơn.
Cũng như cha, chàng trai Lê Tuyên đã sớm kính phục những người mặc blouse trắng và nuôi ước mơ trở thành một bác sĩ. Nguyễn Lê Tuyên phải học ngành Y, để giúp người và cũng là một cách để đền đáp những ân tình gia đình anh đã nhận được trong đời.
Xem thêm: BS TẠ PHƯƠNG DUNG: CHUYỆN ĐỜI VÀ CHUYỆN NGHỀ
Năm 1994, Nguyễn Lê Tuyên chính thức bước vào giảng đường Đại học Y Dược TP.HCM đúng như ước mơ bản thân và kỳ vọng của gia đình. Việc đầu tiên khi chạm tay vào ước mơ, tân sinh viên Nguyễn Lê Tuyên tìm đến giáo sư Trần Văn Sáng để thay cha nói lời cảm ơn. Từ ngày đó, ân nhân gia đình anh đã trở thành người thầy đáng kính nhất cuộc đời anh.
Một sinh viên nghèo, vừa phải bươn chải kiếm sống, vừa phải tập trung học hành. Trong suốt những tháng năm đó, rất nhiều các thầy cô đã tận tâm truyền dạy những kinh nghiệm quý báu, hướng anh theo học chuyên ngành Tiết niệu. Năm 2000, bác sĩ trẻ Nguyễn Lê Tuyên tốt nghiệp, trở về công tác tại quê hương của mình – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Suốt 15 năm làm việc tại đây với vai trò bác sĩ Ngoại tiết niệu, bác sĩ Tuyên đã chứng kiến không biết bao nhiêu ca bệnh hiểm nghèo, vì không có tiền chữa trị đành phải chịu đựng các biến chứng đau đớn. Những hình ảnh ấy gợi lại, chính những ký ức gia đình, khiến anh có một mối đồng cảm sâu sắc.
Anh đi đến một quyết định mà có lẽ khi nghe qua mọi người đều cho là “điên rồ”: Mở phòng mạch khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Nhiều gia đình vượt qua cơn nguy khốn, và nó làm dày hơn những hạnh phúc thường nhật của bác sĩ Lê Tuyên, tiếp thêm sức mạnh nghề nghiệp. Anh cũng hy vọng rằng, biết đâu trong những gia đình bệnh nhân anh chữa khỏi bệnh, cũng có những cô cậu bé như anh ngày nào. Họ sẽ lại nuôi ước mơ, tiếp tục lan tỏa ngọn lửa ấm áp của tình người ngành Y cho cuộc đời.
Giờ đây với hơn 21 năm làm nghề, được đánh giá cao về năng lực và đạo đức, khi được hỏi về Điều nghề Y mang đến cho mình, BS.CKII Nguyễn Lê Tuyên chia sẻ một cách nhẹ nhõm,“Hạnh phúc lớn nhất đời tôi, là được mang lại hạnh phúc cho người khác. Ước mơ ấy giờ tôi lại gửi gắm vào các con mình. Hy vọng rằng, nếu sau này chúng có theo nghề của cha, hãy tiếp tục hành trình chữa bệnh miễn phí cho người nghèo mà tôi đã từng thực hiện”.
*Hiện tại, bác sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã chuyển công tác, không còn làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Xem thêm: BỘ Y TẾ ĐÁNH GIÁ THỬ THUỐC GCP VÀ KHẢO SÁT KHẢ NĂNG TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG TẾ BÀO GỐC
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Xem thêm: Tin tức hoạt động của Bệnh viện Tâm Anh