“Phụ nữ hãy lắng nghe cơ thể mình, hãy làm chủ sức khỏe với bí quyết tập sàn chậu sau sinh đúng cách” là lời nhắn nhủ của hai chuyên gia bệnh lý Sàn chậu ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm và BS.CKI Trần Nguyễn Phương An, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Điều trị hiệu quả rối loạn chức năng sàn chậu” diễn ra vào tối ngày 01/12/2021 vừa qua.
Phụ nữ sau sinh chớ xem thường những dấu hiệu của rối loạn chức năng sàn chậu
Thống kê cho thấy, cứ 3 người phụ nữ đã từng mang thai và sinh nở sẽ có 1 người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa ít nhất một cơ quan vùng chậu như ruột, bàng quang, tử cung và trực tràng; khoảng 70% trường hợp trong tổng số này bị sa phối hợp từ hai cơ quan trở lên.
Có thể thấy, ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam gặp các vấn đề về rối loạn chức năng sàn chậu, nhất là sa tạng chậu. Theo đánh giá của BS.CKI Trần Nguyễn Phương An, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, sở dĩ có sự gia tăng về tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu là do sự thiếu kiến thức của phụ nữ, cùng với đó là sự chủ quan, tâm lý e ngại, chậm trễ thăm khám làm tỷ lệ mắc bệnh tăng cao so với bình thường.
Trực tiếp thăm khám và điều trị cho nhiều trường hợp phụ nữ sau sinh bị rối loạn chức năng sàn chậu, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, chuyên gia bệnh lý Sàn chậu Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ:
“Thật sự tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ trẻ mắc các bệnh lý sa tạng chậu vì không được tiếp cận với bệnh lý sàn chậu sớm hơn. Tôi đã gặp một phụ nữ trẻ chỉ mới 30 tuổi, sau lần sinh nở đầu tiên là song thai, với áp lực của ổ bụng và sức nặng của hai bé đè lên vùng sàn chậu dẫn đến sau sinh, cô ấy bị lộ hết âm đạo và tử cung ra ngoài cửa mình. Tuy nhiên, vì nghĩ đây là hiện tượng tự nhiên sau sinh, sẽ tự hồi phục, cho nên cô ấy chỉ tập trung lo cho hai con nhỏ và chờ đợi sự phục hồi tự nhiên.
Ngày qua ngày, hai con ngày càng lớn nhưng tình trạng lộ âm đạo và tử cung không những không thuyên giảm mà còn nhiều hơn. Nghe dân gian truyền tai nhau các phương pháp tự nhiên như xông, hơ, cữ đồ ăn chua, không đi lại cầu thang nhiều… cô gái này đều áp dụng nhưng không có tác dụng.
Sau 2 năm, cô ấy đến thăm khám trong tình cảnh người chồng không cảm thông và chia sẻ mà bỏ mặc ra đi tìm hạnh phúc mới, cô phải một mình nuôi hai con nhỏ. Lúc này tình trạng sa tử cung và âm đạo cũng quá khó để đưa về lại vị trí ban đầu. Với quyết tâm điều trị, cô gái được áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi treo toàn bộ khối sàn chậu (bao gồm cả tử cung, thành trước và thành sau âm đạo). May mắn mỉm cười, phẫu thuật thành công, cô gái có thể tận hưởng cuộc sống và cũng có được hạnh phúc mới sau quãng thời gian 2 năm dài chịu đựng”.
Bác sĩ Thanh Tâm cũng cho biết, sàn chậu là một thể thống nhất của các cơ quan vùng chậu, điển hình là 3 cơ quan bàng quang, tử cung và trực tràng. Sàn chậu được ví như hệ thống tấm cân, cơ và dây chằng giúp nâng đỡ và giữ các cơ quan vùng chậu ở vị trí giải phẫu bình thường, không tụt xuống hoặc rơi vào trong âm đạo ra hẳn phía ngoài.
Bên cạnh đó, vì sàn chậu là khối cơ nên lỗ ra của niệu đạo, âm đạo và hậu môn sẽ xuyên thủng qua khối cơ đó để đi ra ngoài. Chính vì thế, sự co thắt của sàn chậu sẽ giúp đóng/mở các đường ra của các cơ quan bàng quang, tử cung và trực tràng, giúp phụ nữ có thể đi tiêu tiểu một cách tự chủ; hỗ trợ quá trình sinh nở thuận lợi; se khít âm đạo, tăng cảm giác trong quan hệ vợ chồng.
Bác sĩ Phương An chia sẻ, lứa tuổi hay gặp các rối loạn chức năng sàn chậu là độ tuổi sinh sản bởi ảnh hưởng của quá trình mang thai và sinh nở gây tổn thương lên nhóm cơ sàn chậu. Nhóm thứ hai là phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh do nồng độ nội tiết bị sụt giảm, nhóm cơ bị ảnh hưởng bởi nội tiết Estrogen sẽ bị teo và yếu dần đi. Nhóm thứ ba là phụ nữ béo phì, bởi khi thể trạng tăng, các cơ quan trong ổ bụng, mỡ bụng và cơ thẳng bụng bị suy giảm, đè nặng lên nhóm cơ sàn chậu.
Xem thêm: NHẬN BIẾT SỚM BIẾN CHỨNG THAI KỲ, PHÒNG NGỪA NGUY CƠ
“Điểm chung của 3 nhóm bệnh nhân này là tâm lý mặc cảm ngại thăm khám, hoặc chủ quan triệu chứng thoáng qua sẽ tự biến mất khiến bệnh ngày càng tiến triển nặng nề, trong khi việc điều trị ở giai đoạn đầu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều thông qua việc tập vật lý trị liệu và điều chỉnh lối sống. Do đó, khuyến cáo chị em phụ nữ nên lắng nghe các dấu hiệu cơ thể mình để thăm khám sớm, có can thiệp hiệu quả từ đầu giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, sống vui vẻ và hạnh phúc hơn”, bác sĩ Phương An khuyến cáo.
Làm chủ sức khỏe với bí quyết tập sàn chậu sau sinh đúng cách
Tập luyện sàn chậu là phần không thể thiếu trong việc hỗ trợ phục hồi sức khỏe toàn diện sau sinh cho phụ nữ. Tập sàn chậu không những giúp phụ nữ lấy lại vóc dáng, mà còn giúp kiểm soát tốt các hoạt động đi tiêu tiểu, đưa các khối sa trong âm đạo trở về vị trí bình thường, làm săn chắc, se khít âm đạo bị giãn nhão do quá trình mang thai và sinh nở, đảm bảo chất lượng cuộc sống vợ chồng.
Giải đáp thắc mắc “Khi nào phụ nữ sau sinh nên bắt đầu tập sàn chậu?”, bác sĩ Thanh Tâm cho biết, phụ nữ sau sinh nên tập sàn chậu càng sớm càng tốt vì ngay thời điểm em bé chào đời, cổ tử cung đã lấp ló bên ngoài cửa mình, hoặc thành âm đạo đã trôi ra nhiều. Do đó, phụ nữ có thể tiến hành phục hồi sàn chậu ngay ngày thứ 2 – 3 sau sinh, kể cả sinh thường và sinh mổ.
“Tại Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi luôn tư vấn cho các sản phụ các bài tập sau sinh để khi xuất viện về nhà có thể tự tập ngay, thay vì để một thời gian dài mới bắt đầu tập luyện hay đi thăm khám”, bác sĩ Thanh Tâm cho biết.
Mẹ bầu cũng có thể bắt đầu tập luyện sàn chậu ngay trong thai kỳ. Thông thường, mẹ bầu có thể tập từ tuần thứ 16 của thai kỳ trở đi, bởi thời điểm này đã bắt đầu tăng áp lực lên sàn chậu, cơ thẳng bụng cũng tách ra. Khi cơ thẳng bụng tách ra đồng nghĩa mẹ bầu mất đi sự hỗ trợ của cơ thể để gánh bớt phần lực lên sàn chậu. Do đó, để bảo vệ sức khỏe sàn chậu, mẹ bầu có thể bắt đầu tập luyện ngay từ tuần thứ 16.
“Ở thời điểm tuần 16 của thai kỳ, nếu mẹ bầu không có những chống chỉ định về bệnh lý như tim mạch, hen suyễn, bệnh nội khoa nặng không cho vận động, hoặc thai kỳ không có những vấn đề như đau bụng, ra huyết, dọa sảy thai… thì hoàn toàn có thể tham gia các lớp tập sàn chậu trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu các bài tập thể dục giúp săn chắc vùng cơ sàn chậu, khắc phục việc hở cơ bụng trong thai kỳ và ngăn chặn sau sinh bị sa các cơ quan ra ngoài. Thêm vào đó, bài tập còn hữu ích trong ngăn ngừa được són tiểu và sa sinh dục sau sinh”, bác sĩ Thanh Tâm cho biết thêm.
Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia bệnh lý Sàn chậu hàng đầu Việt Nam, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, triển khai thăm khám, chẩn đoán và điều trị chuyên sâu bệnh lý sàn chậu với sự thống nhất của 3 chuyên khoa Niệu khoa, Phụ khoa và Hậu môn trực tràng. Song song đó, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cung cấp 3 gói tập sàn chậu phù hợp cho nhiều đối tượng, giúp chị em sống vui khỏe và hạnh phúc, tận hưởng niềm vui cuộc sống:
Đừng để rối loạn chức năng sàn chậu đe dọa chất lượng sống và hạnh phúc gia đình của chị em phụ nữ!
Ngay sau đây, mời bạn theo dõi phần tư vấn của hai chuyên gia bệnh lý Sàn chậu đến từ Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Em sinh xong em bé thì thấy một cục màu hồng, sờ vào sần sùi nằm ngay ở cửa âm đạo, nếu ngồi xổm thì nó thò ra mép cửa âm đạo luôn, không biết có phải là sa âm đạo hay không. Hiện tại mình đang có em bé tiếp, nếu sa âm đạo thì có sinh thường được hay không?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Quá trình mang thai nhiều lần hoặc mang thai con to, hoặc quá trình sinh có thể làm tổn thương đến các cơ quan vùng sàn chậu như giãn não hoặc đứt gãy tấm cân cơ ở vùng đó. Do đó khi bạn sinh xong, các thành âm đạo ở phía trước bị đẩy ra phía ngoài làm cho thành âm đạo có thể bị sa xuống một ít.
Việc bạn mang thai gần như vậy có thể làm nặng hơn sự sa thành âm đạo của bạn. Vấn đề này ngay sau khi sinh, hoặc trong quá trình mang thai, bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được thăm khám và tập luyện để khắc phục tình trạng sa, đánh giá mức độ nặng như thế nào và có thể tập phục hồi ngay trong lúc mang thai hay không. Khối sa ở thành âm đạo đó không ảnh hưởng đến lần sinh tiếp theo, tuy nhiên có thể làm nặng hơn sự sa do tiếp tục làm tổn thương làm thành âm đạo.
Em bị sa thành âm đạo từ khi bầu tháng cuối, đi khám bác sĩ bảo đẻ xong sẽ tự co lên. Giờ đẻ được 3 tháng rồi mà em thấy có vẻ nặng hơn, tự nhiên một tuần nay bị ra dịch loãng như nước rất nhiều, đứng dậy là ra dịch ồ ạt, sờ vào cửa mình lại có cục to chặn lại. Liệu có phải em bị sa tử cung, sa âm đạo không bác sĩ?
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Với triệu chứng bạn mô tả, khả năng bạn rơi vào tình trạng sa thành trước âm đạo và kèm theo sa tử cung. Nếu ra dịch nhiều, khi vận động có nguy cơ bạn bị tràn nước tiểu. Khi sa thành âm đạo sẽ mất sự nâng đỡ của niệu đạo và bàng quang khiến bạn bị ướt khi tăng vận động, tăng áp lực ổ bụng.
Vấn đề này bạn có thể khắc phục bằng cách tập luyện các bài tập phục hồi ngay từ giai đoạn đầu. Nếu không can thiệp sớm, sau một năm các triệu chứng trên sẽ nặng hơn, các cơ quan khó trở về trạng thái tự nhiên ban đầu.
Sa thành âm đạo sau sinh một thời gian có tự hết được không bác sĩ, em có uống thuốc gia truyền được quảng cáo là khỏi bệnh hoàn toàn nhưng vẫn không cải thiện được?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Sa thành âm đạo sau sinh là do khi mang thai phải chịu một khối lượng lớn trên cơ sàn chậu khiến cơ bị đứt gãy, suy yếu đi. Do đó, khi muốn phục hồi, bạn phải áp dụng các bài tập, các biện pháp tác động cơ học để phục hồi, chứ không phải dùng thuốc để phần sa co lại như bạn đã nói.
Bạn nên tập bài tập từ lúc mang thai và ngay cả sau sinh để cơ sàn chậu phục hồi tốt và sớm hơn. Hiện tại bạn được 3 tháng sau sinh, tình trạng này không đỡ mà tiến triển xấu hơn thì bạn nên đến trung tâm để được hướng dẫn các bài tập và kiểm tra tình trạng của mình. Cũng xin chia sẻ thêm với bạn là tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM có những bài tập về tập sàn chậu, cũng như các bài tập cùng máy để hỗ trợ bạn có thể nhận biết các nhóm cơ sàn chậu tốt hơn và đạt hiệu quả khi tập.
Đối với những trường hợp nặng hơn, sau khi tập các bài tập mà thành âm đạo vẫn không co rút lên, chúng ta sẽ có một số biện pháp không xâm lấn như đặt vòng nâng, nếu tình trạng sa rất tệ như sa cả bàng quang, tử cung ra ngoài, chúng ta sẽ nghĩ đến phương pháp phẫu thuật. Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM có những bác sĩ giỏi và giàu kinh nghiệm sẽ phẫu thuật đặt mảnh ghép nâng tử cung, nâng bàng quang hoặc cố định các cơ quan về đúng vị trí để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của cơ sàn chậu trở về vị trí ban đầu.
Chào bác sĩ, mẹ em năm nay 50 tuổi và mới bị phát hiện sa âm đạo, hiện đang được đặt vòng nâng. Tuy nhiên công việc của mẹ phải đi lại nhiều nên em không biết có ảnh hưởng đến vòng nâng hay khiến bệnh nặng hơn không?
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Về tình trạng sa âm đạo của mẹ bạn, khi đặt vòng nâng trong âm đạo sẽ giống như vật cản đẩy khối sa lên không bị đi xuống. Nếu công việc của mẹ bạn phải đi lại nhiều và mang vác nặng, chúng ta sẽ phải bổ trợ thêm các bài tập sàn chậu để làm săn chắc và giữ cơ sàn chậu. Thêm vào đó, nếu khối sa không quá to và vòng phù hợp, đa phần sẽ không có tiến triển nặng hơn. Điều mẹ bạn cần lưu ý là những tình trạng bệnh lý trong lúc mang vòng nâng có thể làm tăng áp lực ổ bụng và khó lòng cản được như táo bón, ho kéo dài. Những cơ ho kéo dài có thể làm khối sa tiến triển nặng và đẩy vòng ra.
Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi luôn hướng dẫn bệnh nhân các bài tập về co thắt và giữ vòng trong các sinh hoạt hàng ngày để khi có những cơn ho, hắt hơi, làm việc đột ngột cũng có thể biết cách để vòng không bị rơi ra ngoài.
Vòng nâng là một vật cản để đẩy khối sa vào và vòng nâng phù hợp với các khối sa ở giai đoạn sớm như độ 1, 2 lấp ló cửa mình hoặc cách 1 – 2cm. Chúng ta nên quyết định đặt vòng nâng khối sa sớm vì với những khối sa mới chỉ sa trong 3 tháng gần đây, việc đẩy sớm khối sa sẽ tăng khả năng điều trị thành công bằng vòng nâng rất cao. Sau từ 3 tháng đến 1 năm, vòng nâng đẩy khối sa về đúng vị trí, chúng ta có thể tháo vòng ra. Vì vậy, cần khám sớm để phát hiện sớm khối sa.
Một trường hợp nữa có thể đặt vòng sa là những trường hợp nặng nhưng muốn trì hoãn phẫu thuật do tình trạng bệnh lý nội khoa không phẫu thuật được… sẽ bắt buộc chuyển sang vòng nâng tạm thời. Những khối sa lớn, phức tạp cần chọn vòng thật hiệu quả. Một chỉ định phụ hơn là nếu chúng ta nghi ngờ bị táo bón, bí tiểu… đau ở vùng sàn chậu nghi ngờ có khối sa có thể điều trị thử trước quyết định phẫu thuật hay đặt vòng. Đôi khi điều trị bằng vòng nâng cải thiện sẽ giúp bớt được việc phẫu thuật quá nhanh.
Bệnh nhân lớn tuổi mà bản thân tôi đã đặt vòng nâng là một cụ bà 103 tuổi. Câu chuyện của bà rất đáng thương, cụ đã chịu đựng khối sa gần 40 năm, khối sa ra ngoài và bà đã nhập một bệnh viện đa khoa vì bị suy thận ảnh hưởng đến chức năng thận. Ở đó người ta cũng phân vân là tình trạng suy thận của bà do lớn tuổi, do các bệnh lý nội khoa hay do khối sa. Sau khi bà được gửi tới chuyên khoa sàn chậu, đặt vòng nâng khối sa thì ngay lập tức chức năng thận được cải thiện, thận bớt ứ nước. Sau 3 tháng, người nhà thông báo khối sa đã lên và giờ bà vẫn sống khỏe mạnh và hiện tại đã 106 tuổi.
Xem thêm: ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ RỐI LOẠN CHỨC NĂNG SÀN CHẬU Ở NỮ GIỚI
Em bầu và sinh bé thứ 3 xong chủ quan không kiêng cữ, bưng bê nặng, thường xuyên bê chậu nước nặng để tắm cho 2 bé lớn. Giờ em bị sa tử cung rất nặng, đi khám bác sĩ nói sa tử cung độ 3. Mong bác sĩ tư vấn những phương pháp nào điều trị.
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Sa tử cung độ 3, đã sinh 3 bé thì tôi đoán bạn khoảng 30 – 40 tuổi. Với độ tuổi của bạn, một số biện pháp để can thiệp điều trị như đặt vòng nâng, phẫu thuật đưa tử cung về trạng thái bình thường mà không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Bạn cần thăm khám và đánh giá bởi các chuyên gia để được hướng dẫn các chỉ định phù hợp. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần được đánh giá toàn thể như tình trạng béo phì, thói quen sinh hoạt, tình trạng sa có kèm theo sa các cơ quan khác không, bị viêm nhiễm không. Hy vọng bạn sẽ đi thăm khám sớm.
Em quan hệ có cảm giác đau tức vùng chậu, khó chịu mấy ngày sau vẫn còn đau thắt lưng, ngồi xuống đứng lên rất khó. Cảm giác rất nặng phần dưới, khi đưa ngón tay vào thì thấy có cục cứng cứng tròn láng. Đây có phải là dấu hiệu của sa tạng chậu không bác sĩ?
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Tình trạng của bạn cần tìm hiểu 2 nhóm bệnh lý là bệnh phụ khoa và bệnh sàn chậu. Về phụ khoa, bạn cần thăm khám kỹ xem có bị viêm dính vùng chậu hay lạc nội mạc tử cung hay không… Còn về sàn chậu, sẽ có những chứng co thắt âm đạo, rối loạn cảm giác, dị cảm, hoặc do hệ thống cơ lỏng lẻo khi có áp lực lúc quan hệ sẽ khiến bạn bị đau.
Bạn nên đi khám lại và cần đi khám ở cả 2 chuyên khoa là phụ khoa và sàn chậu để đi tìm nguyên nhân riêng. Trong bệnh lý sàn chậu có một nhóm triệu chứng liên quan đến đau khi giao hợp hoặc giao hợp giảm cảm giác, rối loạn cảm giác về tình dục, thậm chí không giao hợp được do rối loạn chức năng sàn chậu. Do đó, bạn cần đi khám để được bác sĩ đánh giá chính xác và cụ thể.
Tôi 43 tuổi, hiện có biểu hiện như sau: đi tiểu buốt đau; đi đứng cảm giác như có gì đó trì nặng ở phần dưới; quan hệ thì đau rát; bị rỉ nước tiểu. Những biểu hiện như vậy có phải bị sa cổ tử cung không?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Sàn chậu là chuyên khoa kết hợp cả 3 chuyên khoa, bao gồm đường tiểu – chuyên khoa Tiết niệu dưới, Phụ khoa và Hậu môn trực tràng. Triệu chứng của bạn được xếp vào triệu chứng đường tiểu dưới như tiểu đau, có thể có nhiễm trùng tiểu, tiểu lắt nhắt, són tiểu.
Để đánh giá chính xác các triệu chứng này nguyên nhân là do đường tiết niệu hay do sa tạng chậu, bạn cần được thăm khám kỹ lưỡng để xem mức độ sa là bao nhiêu, mức độ nhiễm trùng như thế nào. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc có các biện pháp nội khoa can thiệp, biện pháp không xâm lấn như đặt vòng nâng, vật lý trị liệu, tập Aerobic để cơ sàn chậu được nâng đỡ tốt hơn.
Em mới ngoài 40 tuổi nhưng đã bị sa thành âm đạo nặng. Bác sĩ tư vấn em điều trị bằng phương pháp tạo hình tầng sinh môn. Cho em hỏi phương pháp này có thể thực hiện bằng kỹ thuật nào, có chữa trị dứt điểm được bệnh không? Đối tượng nào được chỉ định và chống chỉ định với phương pháp này?
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Chỉ những trường hợp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nặng nề (như rối loạn đường tiểu, quan hệ giảm cảm giác…) thì mới cần đến phẫu thuật. Chống chỉ định phẫu thuật trong trường hợp các bệnh lý trực tiếp tại thành âm đạo, ví dụ như đang có tình trạng ra huyết âm đạo bất thường mà chưa điều trị ổn định, đang viêm nhiễm âm đạo nặng, bệnh lý tiền ung thư/ung thư đường sinh dục như âm hộ, âm đạo, cổ tử cung… Khi đó, phải điều trị thật ổn định thì mới tiến hành can thiệp chỉnh sửa được.
Một gợi ý cho bạn trong việc chỉnh sửa thành âm đạo là tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM có phương pháp không cần can thiệp phẫu thuật, đó là tia Laser. Phương pháp này giúp làm dày thành âm đạo, thu gọn khẩu kính thành âm đạo. Ưu điểm là không chảy máu, không tạo sẹo và không có nguy cơ nhiễm trùng.
Laser vẫn có mức độ tùy theo độ sa, độ rộng cũng như giãn nhão của thành âm đạo. Đối với mức độ từ nhẹ đến trung bình sẽ phục hồi rất tốt. Đối với trường hợp sa nặng phải tiến hành làm thủ thuật hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, nếu tình trạng tái phát có thể bổ trợ bằng Laser.
Em sinh con đầu được 6 tuần, vợ chồng em quan hệ lại từ tuần thứ 8 sau sinh. Tuy nhiên, em có cảm giác âm đạo giãn rộng nên rất khó giao hợp, dù giao hợp được cũng không có cảm giác. Bác sĩ cho em hỏi có phải em bị bệnh lý phụ khoa gì sau sinh không? Tầng sinh môn giãn rộng, việc may cơ nâng hậu môn có đảm bảo độ thắt của tầng sinh môn không ?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Tầng sinh môn có khả năng co rút lại nếu tổn thương của bạn nhẹ, cơ của bạn tốt hoặc bạn đã có sự chuẩn bị trước sinh. Tuy nhiên, nếu bạn bị giãn nhão quá nhiều, sinh con to sẽ bị đứt gãy các cơ ở tầng sinh môn nhiều. Quá trình phục hồi sẽ diễn ra lâu hơn, khiến tầng sinh môn giãn rộng, không được như trước nữa. Trong trường hợp này bạn sẽ bị rối loạn chức năng tình dục, giảm cảm giác, đau khi quan hệ hoặc quan hệ không được.
Bạn nên đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được đánh giá xem tầng sinh môn giãn rộng như thế nào. Có thể bạn cần áp dụng các bài tập vật lý trị liệu để tăng sức bền, tăng sức cơ của tầng sinh môn; hoặc tiến hành thủ thuật sửa thành âm đạo, sửa tầng sinh môn để phục hồi nhóm cơ nâng tầng sinh môn, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Em bị sa thành âm đạo, nghe nói sử dụng quả cầu Nga sẽ hết thì có đúng không? Ngoài tập yoga và các bài tập cho sàn chậu, em có nghe đến phương pháp xông hơi trong việc điều trị bệnh lý sàn chậu. Không biết phương pháp này có đem lại hiệu quả thật sự không thưa bác sĩ?
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Về vấn đề tập vật lý trị liệu sàn tập, người ta có những vật nặng để trong âm đạo. Vật nặng này sẽ có trọng lượng thay đổi như 20g, 50g, 100g… Khi tập với vật nặng này, phải tập siết cơ làm sao để giữ được trọng lượng vật nặng đó ở trong âm đạo, không rơi ra ngoài.
Phương pháp xông hơi phải thực hiện đúng: đảm bảo về nhiệt độ, khoảng cách và sức nóng đó không làm phỏng vùng tầng sinh môn, làm tổn thương vết thương nhiều hơn. Trong quá trình xông hơi, việc sử dụng thảo dược cũng có tính chất kháng khuẩn (giữ cho tầng sinh môn sạch sẽ), thư giãn cho người phụ nữ trong giai đoạn sau sinh.
Em có mua gói thai sản tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM và thấy có dịch vụ khám sàn chậu sau sinh. Em cũng được tặng suất khám sàn chậu sau sinh. Bác sĩ vui lòng cho em hỏi, em có thể sử dụng suất khám này như thế nào? Bệnh viện có chương trình khám sàn chậu sau sinh không và gồm những gì? Cảm ơn bác sĩ.
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Bạn có thể sử dụng suất khám đó càng sớm càng tốt sau sinh. Gói khám sàn chậu sau sinh bao gồm đánh giá mức độ hở tách cơ thành bụng là bao nhiêu, sự phục hồi tầng sinh môn tiến triển đến mức nào. Trong quá trình khám, nếu phát hiện một số tình trạng như són tiểu, giãn nhão thành âm đạo hoặc co thắt cơ chưa tốt thì bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách tự tập tại nhà.
Đối với những bạn không sắp xếp đến khám 1 tuần sau sinh được thì có thể khám vào thời điểm 1 tháng sau sinh. Bạn sẽ được đánh giá tổng quát về phụ khoa.
Bà ngoại em hiện 73 tuổi, bị sa sinh dục cả chục năm nay nhưng ngại không nói cho con cháu, không đi khám. Hiện khối sa cạ vào quần áo gây chảy máu, chảy nước vàng nhiễm trùng, có mùi hôi khó chịu. Bác sĩ cho em hỏi trường hợp của bà em nếu phẫu thuật có nguy hiểm không? Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM có điều trị cho người lớn tuổi sa sinh dục như bà em không?
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Rõ ràng khối sa như bạn mô tả đã gây biến chứng, do đó cần giải quyết một cách triệt để bằng cách phẫu thuật lấy khối sa ra, sau đó cố định lại thành âm đạo cũng như mỏm cắt còn lại của khối sa. Ngoài ra, còn một cơ quan quan trọng nữa của âm đạo, đó là phần đỉnh của âm đạo, gọi là cùng đồ âm đạo. Khi lấy tử cung ra giải quyết khối sa thì phần đỉnh đó phải cố định lại để không bị rơi xuống.
Bà của bạn 73 tuổi, có thể còn có những bệnh lý về nội khoa. BVĐK Tâm Anh TP.HCM là một bệnh viện đa khoa nên có thể phối hợp đa chuyên khoa để phẫu thuật cho bà, cũng như đánh giá kỹ tình trạng tiền phẫu, hậu phẫu để cuộc phẫu thuật thật an toàn.
Bệnh nhân lớn tuổi nhất mà tôi từng phẫu thuật là một cụ bà 91 tuổi. Trong bệnh lý sàn chậu, không bao giờ là quá trễ để tiến hành phẫu thuật. Thay vì nghĩ “ráng chịu đựng 5 năm, 10 năm”, trong khi 73 tuổi có thể sống đến 93 tuổi thì chúng ta đã mất thêm 20 năm về chất lượng cuộc sống.
Mẹ em 62 tuổi, mỗi khi mắc tiểu là phải tiểu nhanh, tiểu gấp, không thể kìm nén. Trường hợp của mẹ em có điều trị được hay không?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Tình trạng của mẹ bạn là một trong những rối loạn chức năng sàn chậu. Để đánh giá được mức độ, bạn nên đưa mẹ đi khám. Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi có máy đo niệu động học, có thể đánh giá mức độ rối loạn chức năng đường tiểu, sau đó chúng tôi sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp. Ví dụ, nếu mẹ bạn bị vấn đề giảm cảm giác ở bàng quang hay cơ bị yếu thì sẽ có những phác đồ khác nhau, có thể dùng thuốc hoặc những biện pháp khác để can thiệp lên đường tiểu.
Đối với những người lớn tuổi, cụ thể như mẹ bạn đã 62 thì thuộc giai đoạn mãn kinh, nội tiết giảm do vậy những cơ âm đạo, cơ ở tầng sinh môn bị yếu đi và làm cho đường nâng đỡ niệu đạo bị yếu, chùng xuống dẫn đến tình trạng tiểu gấp, tiểu lắt nhắt. Lúc này sẽ can thiệp thủ thuật hoặc đặt vòng nâng, còn những nguyên nhân từ nội khoa thì dùng thuốc để điều trị.
Để biết chính xác nên lựa chọn phương pháp nào bạn nên đưa mẹ đến khám để được bác sĩ khám và đánh giá.
Em 33 tuổi, sinh bé thứ 2 được 2 tháng. Sau khi sinh xong em hay gặp trường hợp đại tiện nhiều lần không hết, táo bón, đau bụng, đau thốn hậu môn khi đi đại tiện. Em tưởng mình gặp vấn đề về vấn đề tiêu hóa, nhưng khi đi khám thì bác sĩ nghi em bị rối loạn đại tiện, một dạng của bệnh lý sàn chậu. Em khám mơ hồ và không biết bệnh này có nguy hiểm không, tiên lượng có khả quan hay không?
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Tình trạng bạn mô tả đầu tiên có thể nghĩ đến hội chứng ruột kích thích, từ đó kích thích lên vùng cơ thắt của sàn chậu, làm cho các vùng cơ thắt ở hậu môn co thắt bất thường. Chính những cơn co thắt này khiến cho bạn cảm giác đau vùng hậu môn nhiều. Như vậy chúng ta phải điều trị cả 2 vấn đề: rối loạn hoạt động ruột (hội chứng ruột kích thích) và thành phần cơ thắt để phân tống ra. Phải kết hợp cả 2 chuyên khoa, vừa hậu môn trực tràng vừa sàn chậu thì mới có thể giải quyết được bệnh.
Mẹ tôi 56 tuổi, khoảng nửa tháng gần đây thường xuyên bị tình trạng tiểu tiện không kiểm soát, hay tiểu gấp, đại tiện phải rặn, cảm giác đại tiện đi ngoài không hết, thỉnh thoảng táo bón rất khó chịu. Bác sĩ cho em hỏi đây là biểu hiện của bệnh gì, có nguy hiểm không và hướng điều trị như thế nào?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Theo những gì bạn chia sẻ, mẹ bạn đã có những rối loạn chức năng đường tiểu dưới và cả chức năng của hậu môn trực tràng. Đây là những triệu chứng của bệnh rối loạn sàn chậu, mặc dù những triệu chứng này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tính mạng hay những bệnh lý nội khoa nặng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của mẹ bạn, do đó phải điều trị càng sớm càng tốt.
Bạn nên đưa mẹ đến bệnh viện để được thăm khám sớm với các bác sĩ chuyên gia sàn chậu, từ đó tư vấn kỹ hơn, đánh giá chính xác, cụ thể những rối loạn mẹ bạn đang mắc phải. Khi có được những đánh giá, biết được mức độ sẽ dễ dàng đưa ra hướng điều trị phù hợp đối với cả 2 loại bệnh.
Bác sĩ ơi, mẹ em năm nay ngoài 60 tuổi, khoảng 3 tháng nay thì có cảm giác đau nhức, khó chịu ở vùng chậu, có cảm giác như có một vật gì sắp rơi ra bên ngoài âm đạo, đau nhức ở vùng âm đạo, vùng chậu và bụng dưới. Em tìm hiểu thì được biết đây là triệu chứng của bệnh sa niệu đạo, em rất lo lắng vì không hiểu nguyên nhân gây ra bệnh này là gì, không biết có thể điều trị bằng nội khoa hay bắt buộc phải làm phẫu thuật.
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Những triệu chứng của bạn mô tả chưa rõ ràng. Nếu mẹ của bạn chỉ cảm thấy một khối sa hoặc một khối nặng ở phía cửa mình, có thể có rất nhiều cơ quan trong đó: đoạn niệu đạo, bàng quang, tử cung hoặc trực tràng. Nếu là niệu đạo, mẹ bạn sẽ có những triệu chứng về rối loạn đường tiểu, ví dụ như tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, đi tiểu nhiều lần, hay mắc tiểu cầm giữ không được. Cho nên bạn hỏi thêm mẹ những triệu chứng của bệnh, hoặc nếu bạn thấy không thể khai thác được tốt các triệu chứng của bệnh thì bạn nên đưa mẹ đến bệnh viện.
Tại BVĐK Tâm Anh, chúng tôi có chuyên khoa niệu, sàn chậu sẽ kết hợp các chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả cho mẹ của bạn.
Chào bác sĩ, em mới sinh được gần 2 tháng. Gần đây, lúc đi vệ sinh em thấy cảm giác nặng phần tiểu, nhưng tiểu vẫn bình thường, không đau rát. Em có đi khám thì bác sĩ nói em bị sa bàng quang, bảo em về tập vật lý trị liệu. Vậy bác sĩ cho em hỏi là nếu chỉ tập như vậy thôi có hết bệnh không? Có cần điều trị thêm gì không?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Tập vật lý trị liệu là một trong những biện pháp đầu tay với những trường hợp sa tử cung, sa bàng quang ở mức độ nhẹ hoặc nhẹ đến trung bình. Việc tập vật lý trị liệu sẽ làm săn chắc, tăng sức cơ, sức bền và giúp kéo các cơ quan của bạn trở về vị trí cũ.
Để việc tập hiệu quả hơn, bạn nên có sự hướng dẫn của huấn luyện viên, chuyên gia sàn chậu để đánh giá đúng cơ sàn chậu nào cần được tập, nhóm cơ nào cần được vận cơ để tăng sức bền. Vì một số trường hợp tập vật lý trị liệu, yoga nhưng tập không đúng nhóm cơ sẽ phản tác dụng, làm tăng nặng nhóm cơ.
Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, ngoài việc tập vật lý trị liệu về sàn chậu còn có thể áp dụng tập máy Bioflex để nhận biết rõ nhóm cơ cần co thắt, vận động. Lúc này việc tập sẽ hiệu quả hơn, tỷ lệ thành công khi điều trị với các biện pháp đầu tay (vật lý trị liệu) sẽ được nâng cao, tỷ lệ mẹ bạn phải can thiệp bằng phẫu thuật, thủ thuật sẽ giảm đi.
Xin bác sĩ chia sẻ thêm về phương pháp điều trị bằng Laser, chi phí bao nhiêu và điều trị Laser thì có tác dụng phụ gì không?
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Phương pháp điều trị bằng Laser tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM mang lại hiệu quả rất cao, đặc biệt là có thể “mang lại thanh xuân” cho âm đạo của người phụ nữ mà không cần phải phẫu thuật dao kéo, không có vết thương, không nhiễm trùng hay phải kiêng giao hợp cả tháng như phẫu thuật. Với những ưu điểm như vậy, Laser là một phương pháp tốt.
Tuy nhiên, nhược điểm chính là giá thành cao hơn so với phương pháp phẫu thuật. Điểm thứ 2, đây là phương pháp cần được tu dưỡng hàng năm, sau 12 – 18 tháng phải chỉnh sửa tiếp bằng Laser. Tuy nhiên, chính điểm này lại là ưu thế vì phẫu thuật chỉ làm được tối đa 1 – 2 lần, không còn mô âm đạo hay gì khác để phẫu thuật. Còn Laser không giới hạn số lần tái điều trị, và Laser là phương pháp điều trị trong y khoa rất an toàn nên không có biến chứng hay tác dụng phụ gì.
Chị gái em 40 tuổi đã sinh 2 bé, cả tháng nay chị bị chảy dịch vàng vùng âm đạo, đau vùng bụng dưới thỉnh thoảng ra huyết bất thường. Vì chị có tiền sử u nang buồng trứng nên cứ nghĩ bệnh tái phát, tuy nhiên vì ngại dịch Covid-19 nên chị chưa đi khám mà uống thuốc điều trị theo toa cũ, nay tình trạng chẳng những không bớt mà còn nghiêm trọng hơn. Bác sĩ cho em hỏi những triệu chứng đó là biểu hiện của bệnh gì? có được chữa khỏi hay không?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Tình trạng chị của bạn có 2 nhóm nguyên nhân, có thể do phụ khoa hoặc các bệnh lý sàn chậu. Nếu nguyên nhân về phụ khoa, như chị của bạn bị u nang trước đó, hoặc viêm nhiễm âm đạo, tầng sinh môn cũng có thể gây tăng tiết dịch và gây viêm rát cửa mình. Nếu bị sa tạng cũng gây đau. Tình trạng rỉ dịch gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu tình hình dịch ở nơi bạn ở đã được kiểm soát tốt, chị của bạn có thể đến để được chúng tôi tư vấn, thăm khám kỹ càng hơn về phụ khoa và sàn chậu.
Bác sĩ ơi, bị sa thành trước âm đạo độ 1 thì có phương pháp điều trị nào không ạ? Em mới sinh 1 con và vẫn có nhu cầu sinh con nữa ạ.
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm: Đối với tình trạng sa thành âm đạo độ 1 hoàn toàn có thể phục hồi một cách dễ dàng với các phương pháp tập vật lý trị liệu. Chúng ta phải xác định rõ, tập vật lý trị liệu bản thân các bạn phải là người học, áp dụng và tập sau khi tập với bác sĩ. Nếu tập với bác sĩ xong mà về nhà bạn lo bận chăm con, lo nhiều công việc quá không tự duy trì bài tập đã học ở bệnh viện thì xem như không hiệu quả. Do đó, bạn phải xác định quyết tâm điều trị thì tới BVĐK Tâm Anh tập vật lý sàn chậu vào các buổi chiều thứ 2,4,6 từ 13h30 đến 15h. Đó là thời điểm mà bác sĩ Thanh Tâm và bác sĩ Phương An dành toàn thời gian cho các bạn trong vấn đề tập phục hồi sàn chậu.
Trong trường hợp bạn tự thấy không theo được các bài tập của bác sĩ luyện tập ở nhà thì có một lựa chọn khác đó là điều trị bằng Laser. Phương pháp Laser điều trị rất hiệu quả, thiết thực đối với những trường hợp thành âm đạo sa nhẹ từ độ 1 đến độ 2. Ngoài chuyện thu nhỏ khẩu kính âm đạo, dày thành âm đạo lên, làm săn chắc, thì có chỉnh sửa bên ngoài người ta gọi là làm hồng các vùng da bị thâm ở bên ngoài hoặc có thể chỉnh sửa phần da thừa bằng tia Laser.
Cảm ơn hai chuyên gia đã tận tình giải đáp từng thắc mắc và cung cấp nhiều thông tin khoa học chính thống, bổ ích cho độc giả!
Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, độc giả có thể tiếp tục gửi câu hỏi để được các chuyên gia bệnh lý Sàn chậu, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải đáp.
Đón đọc thêm nhiều hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại chuyên mục Tin tức hoạt động của Bệnh viện Tâm Anh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH