Lo ngại dùng thuốc tiểu đường lâu dài ảnh hưởng đến gan, thận; bà B. chỉ ăn rau củ thay thuốc được 2 tháng và rơi vào lơ mơ.
Bà T.T.B. (75 tuổi, Đồng Nai) đã tự đi đứng và xuất viện an toàn sau 5 ngày điều trị. Trước đó, bà được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng lơ mơ, tăng đường huyết sau 2 tháng bỏ uống thuốc, chỉ ăn rau, củ, hạt, trái cây để chữa bệnh tiểu đường. Bệnh nhân nhập viện trễ sẽ hôn mê, nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Lê Hồng Hải nhận định bà B. bị tăng đường huyết, rối loạn điện giải do kết quả đo đường huyết cao, natri máu thấp. Ngay lập tức, bác sĩ Hải chỉ định bồi hoàn nước điện giải, giữ cân bằng kiềm toan (cân bằng axit và ba-zơ).
Sau 2 tiếng điều trị, chỉ số đường huyết người bệnh bắt đầu giảm, bớt mệt nên được chuyển đến khoa Nội tiết – Đái tháo đường và được nhân viên y tế đo đường huyết, truyền insulin hàng ngày. Thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết – Đái tháo đường đánh giá tình trạng sức khỏe và điều chỉnh liều thuốc phù hợp. Ngày xuất viện, bà B. cho biết sẽ tuân thủ điều trị, uống thuốc đều đặn.
Bà B. kể bị tiểu đường 10 năm nay. Bà dùng thuốc, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ, kết quả xét nghiệm đường huyết HbA1c luôn đạt mục tiêu 7%. Tháng 5/2023, lo ngại dùng thuốc tiểu đường lâu dài sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, bà được người thân giới thiệu khám với bác sĩ phòng mạch có phương pháp trị tiểu đường không cần dùng thuốc. Hàng ngày, bà ăn rau củ, hạt, trái cây… sau đó đo chỉ số huyết áp, đường huyết để gửi đến phòng khám theo dõi. Bác sĩ tại đây đánh giá đường huyết tốt, tuy nhiên bà mệt mỏi liên tục, tinh thần suy sụp, trong vòng 2 tháng sụt 5kg, cơ thể rệu rã, chán ăn và rơi vào lơ mơ.
Bác sĩ Trâm cho biết, đái tháo đường là bệnh mạn tính với đặc trưng đường huyết luôn ở mức cao hơn bình thường. Người bệnh cần uống thuốc mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin…), luyện tập thể dục phù hợp với thể trạng, sức khỏe.
Thuốc điều trị đái tháo đường gồm 2 nhóm chính, gồm: tiêm insulin và thuốc uống. Nhóm insulin chủ yếu dùng cho người bệnh tiểu đường type 1 do tuyến tụy không tạo ra insulin và type 2 khi bị nhiễm trùng, vết thương cấp, tăng đường huyết với tăng ceton máu cấp nặng, mất cân bằng không kiểm soát, điều trị với thuốc viên không hiệu quả, đường huyết tăng cao không thể kiểm soát bằng thuốc viên…
Thuốc dạng uống thường dùng cho người bệnh đái tháo đường type 2 gồm nhiều nhóm. Nhóm thuốc làm tăng độ nhạy với insulin Metformin và Thiazolidinedione; Nhóm thuốc gây tăng tiết insulin Sulfonylureas, Meglitinides, thuốc chủ vận thụ thể GLP-1, thuốc ức chế men Dipeptidyl peptidase-4; Nhóm thuốc làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột.
Với người bệnh tiểu đường dù chỉ số đường huyết ổn định và xét nghiệm HbA1c cho kết quả lượng đường trong máu trung bình trong khoảng 3 tháng đạt mục tiêu điều trị (6.5% – 7%), người bệnh cũng không nên ngưng thuốc. Bởi khi ngưng thuốc, đường huyết tăng dần mỗi ngày nhưng người bệnh khó nhận biết. Sau thời gian dài, đường huyết tăng quá cao dẫn đến các biến chứng cấp tính như tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan ceton dẫn đến hôn mê… nguy hiểm tính mạng. Đồng thời, khi ngưng thuốc, đường huyết lên cao, xuống thấp trong thời gian dài gây tổn thương mạch máu, dẫn đến các biến chứng mạn tính như suy thận, mờ mắt…
Để ổn định đường huyết và hạn chế tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường đến gan, thận, người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc. Thay vào đó, cần khám định kỳ với bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để điều chỉnh liều thuốc phù với mức đường huyết hiện tại. Việc tái khám cũng giúp bác sĩ đồng hành cùng người bệnh theo dõi đường huyết, kiểm soát biến chứng.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH